Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt PSA là một glycoprotein được mã hóa bởi gen KLK3 (Kallikrein-3), có khối lượng phân tử 30.000- 34.000 dalton, có chức năng của một serine proteinase, được tiết ra bởi các tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt. Phần lớn PSA trong máu được gắn với các protein huyết tương, một lượng nhỏ (khoảng 30%) của PSA không gắn với protein được gọi là PSA tự do (free PSA), dạng này không có hoạt tính phân hủy protein. Tỷ lệ PSA tự do/ PSA toàn phần (free PSA/ total PSA ratio = fPSA/ tPSA) được đánh giá để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt khi nồng độ tPSA nằm trong khoảng từ 4 đến 10 ng/mL.Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao nếu tỷ lệ f PSA/ tPSA ≤ 0,15 (15%)
1. Chỉ định:
1.1. Chỉ định xét nghiệm nồng độ PSA toàn phần trong máu: xét nghiệm định lượng nồng độ PSA toàn phần trong máu có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt: theo Cục Quản lý thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ FDA (U.S Food and Drug Administration), xét nghiệm PSA nên được thực hiện hàng năm để sàng lọc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới từ 50 tuổi trở lên. Đối với những người có yếu tố nguy cơ gia đình (bố hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt) cần bắt đầu sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt bằng xét nghiệm PSA từ tuổi 40 .
– Đánh giá nguy cơ tử vong của những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt thể khu trú (localized prostate cancer) (không di căn: non-metastatic): xét nghiệm PSA được đánh giá cùng với Tiêu chuẩn phân loại giai đoạn Gleason (dựa trên hình ảnh tế bào nhuộm HE) và phân loại theo lâm sàng.
– Theo dõi hiệu quả điều trị và phát hiện tái phát ung thư tuyến tiền liệt: các mức độ PSA cần được theo dõi sau điều trị ung thư tuyến tiền liệt từ 6 tháng đến 36 tháng tùy theo mức độ nguy cơ của bệnh.
– Việc sinh thiết tuyến tiền liệt để xác định ung thư có thể được chỉ định khi nồng độ PSA toàn phần huyết tương ≥ 2,5 ng/mL hoặc tốc độ tăng PSA toàn phần ≥ 0,75 ng/mL/năm.
1.2. Chỉ định xét nghiệm PSA tự do và đánh giá tỷ lệ fPSA/ tPSA:
Xét nghiệm nồng độ fPSA và việc đánh giá tỷ lệ fPSA/ tPSA được chỉ định để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt trong các trường hợp nồng độ tPSA máu của bệnh nhân tăng dai dẳng, nằm trong vùng nghi ngờ “gray zone) từ 4 đến 10 ng/mL [4, 5].
2.
2. Ý nghĩa lâm sàng:
Giá trị PSA bình thường: nồng độ PSA toàn phần trong máu người khỏe mạnh rất thấp, chỉ khoảng < 4 ng/mL. Tuy nhiên, ở những người khỏe mạnh bình thường, do kích thước tuyến tiền liệt tăng theo tuổi nên khi tuổi tăng, mức độ PSA được tuyến tiền liệt bài tiết vào máu cũng tăng theo tuổi:
– Từ 40 – 49 tuổi: PSA ≤ 2,5 ng/mL
– Từ 50 – 59 tuổi: PSA ≤ 3,5 ng/mL
– Từ 60 – 69 tuổi: PSA ≤ 4,5 ng/mL
– Từ 70 – 79 tuổi: PSA ≤ 6,5 ng/mL
2.1.Nồng độ PSA toàn phần trong máu tăng trong thư tuyến tiền liệt:
– Về nồng độ PSA toàn phần trong máu: nồng độ PSA toàn phần trong máu càng tăng, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt càng cao, phụ thuộc vào độ tuổi. Giá trị giới hạn (cut-off) cho chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt của PSA toàn phần huyết tương là ≥ 4 ng/mL với độ nhạy là 21% và độ đặc hiệu là 91%. Người ta thấy có sự liên quan giữa mức độ PSA toàn phần và tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt (Bảng 1).
Bảng 1. : Sự liên quan giữa mức độ PSA toàn phần và tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt [2]
Mức độ PSA toàn phần (ng/mL) | Tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt (%) |
0 – 2,4 | Hiếm gặp |
2,5 – 4,0 | 12 – 23 |
4,1 – 10,0 | 25 |
> 10,0 | > 50 |
– Về tốc độ tăng PSA toàn phần (PSA velocity) trong máu: ở người bị ung thư tuyến tiền liệt nồng độ PSA toàn phần có tốc độ tăng nhanh hơn ở người bình thường. Người có tốc độ tăng PSA toàn phần > 0,75 ng/mL/năm có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng, người có tốc độ tăng PSA < 0,75 ng/mL/năm có thể có bệnh tuyến tiền liệt lành tính.
Tuy nhiên, cần chú ý là, nồng độ PSA toàn phần trong máu có thể tăng trong các trường hợp không phải ung thư tuyến tiền liệt, ví dụ như trong các bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính (benign prostatic hyperplasia), viêm tuyến tiền liệt (prostatitis), kích thích tuyến tiền liệt (irritation) hoặc sau phóng tinh. Vì vậy, để chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến tiền liệt với các bệnh tuyến tiền liệt khác, cần phải định lượng thêm PSA tự do và xác định tỷ số fPSA/ t PSA.
2.2. Tỷ lệ fPSA tự do /tPSA trong máu giảm trong ung thư tuyến tiền liệt:
Việc xác định tỷ số fPSA / tPSA được coi là một công cụ hiệu quả cho việc chẩn đoán phân biệt giữa các trường hợp ung thư tuyến tiền liệtvới các bệnh không phải ung thư tuyến tiền liệt .
Nếu nồng độ PSA toàn phần huyết tương tăng trong khoảng 4,1-10 ng / mL, giá trị cắt (cut off) của tỷ số fPSA/ t PSA là ≤ 0,155 có thể giúp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt với độ nhạy là 85% và độ đặc hiệu là 56,5% .
Trong thực hành lâm sàng, với nồng độ PSA toàn phần tăng trong khoảng 4,1-10 ng / mL, nhiều tác giả thường chọn giá trị giới hạn của tỷ số fPSA/ t PSA là ≤ 0,15 làm giá trị cắt để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt [6]. Điều cần chú ý là, cũng có khoảng 23% bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có tỷ số fPSA/ t PSA từ 0,15-0,19 và khoảng 9% bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có tỷ số fPSA/ t PSA ≥ 0,20 [6].
KẾT LUẬN
1. 1. Mức độ PSA toàn phần huyết tương ≥ 4 ng/mL có thể giúp sàng lọc, chẩn đoán và quản lý ung thư tuyến tiền liệt.
2. 2. Tốc độ tăng PSA toàn phần > 0,75 ng/mL/năm có thể giúp đánh giá nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
3. 3. Mức độ tăng của PSA được đánh giá cùng với tiêu chuẩn phân loại Gleason và phân loại theo lâm sàng., có thể giúp đánh giá tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt.
4. 4. Khi mức độ PSA toàn phần tăng trong khoảng 4 đến 10 ng/mL, việc định lượng free PSA và xác định tỷ số fPSA/ PSA với điểm cắt ≤ 0,15 có thể giúp chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến tiền liệt với các bệnh tuyến tiền liệt lành tính khác.
XEM THÊM:
- Kinh nghiệm đúc kết sau 2 lần tái phát phì đại tiền liệt tuyến
- Nghiên cứu lâm sàng về hạt bí đỏ giúp trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt
Mời các bạn xem giấy phép của Bộ y tế TẠI ĐÂY